Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Đến Đà Nẵng ăn món Quảng

Ẩm thực không thể thiếu trong chuỗi dịch vụ du lịch, phục vụ du khách. Muốn du khách đến, trải nghiệm với mỗi vùng đất, thì các món ăn là cách để "níu chân" du khách. Muốn làm được điều đó, cần quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực chứ không thể "hữu xạ tự nhiên hương".

Nhà hàng Madame Lân đã xây dựng "phố ẩm thực trong lòng thành phố" có thể phục vụ du khách với món ăn 3 miền.
Món ăn 3 miền giữa thành phố biển

Hôm nay (26-4) là vừa tròn một năm khai trương nhà hàng Madame Lân. Nằm bên cạnh dòng sông Hàn thơ mộng, không gian nhà hàng như càng thật gần gũi với những người ở xa mới tới Đà Nẵng lần đầu bởi những bức tranh Đông Hồ hay những bức ảnh đen trắng về Hà Nội, Sài Gòn, Hội An. Giữa lối đi vào khu ẩm thực, chế biến những món bánh và chè, tự nhiên ta bắt gặp một con phố - phố Quang Trung, và đây được xem là nhà hàng với "phố trong phố - hội đủ những món ăn 3 miền giữa một thành phố biển miền Trung"... Khung cảnh nhà hàng này khá sang trọng, nhưng những món quà quê luôn hiện diện, là những món chính trong thực đơn như bánh xèo, bánh bèo, bánh vạc, hay những món "rất Quảng" như mì Quảng, cao lầu, bánh tráng thịt heo... với mức giá khá mềm. Trần Thị Thanh Chi, quản lý kinh doanh nhà hàng Madame Lân cho biết, đây là nhà hàng 3 miền, chế biến những món ăn phù hợp với khẩu vị người dân cả nước với chủ trương phục vụ những món ăn thuần Việt, theo tiêu chí "ngon-rẻ-đẹp-sang trọng-phục vụ tốt", nhưng với các sản vật địa phương thì các món miền Trung, đặc trưng là món Quảng vẫn chiếm phần lớn trong thực đơn của nhà hàng.

Ông chủ của nhà hàng Madame Lân là người Hà Nội, nhưng khi mở nhà hàng đã thu hút một đội ngũ đầu bếp đông đảo trên 20 người, mỗi người chuyên 1 đến vài món đặc sản của vùng miền, để cùng một thời điểm, nhà hàng có thể phục vụ được 400 khách. Chị Thanh Chi cho biết, sau 1 năm hoạt động, doanh số của nhà hàng tăng trưởng khoảng 35%, dựa vào khách địa phương và một lượng lớn khách du lịch.

Đến Đà Nẵng ăn món Quảng

Nhà hàng Madame Lân đã xây dựng "phố ẩm thực trong lòng thành phố" có thể phục vụ du khách với món ăn 3 miền.

Với chuỗi nhà hàng Trần đóng chân nhiều nơi trên địa bàn thành phố, các món đặc sản đất Quảng như mì Quảng, bánh cuốn thịt heo... đã thực sự tìm được "chỗ đứng" trên bảng thực đơn lựa chọn của du khách khi đến Đà Nẵng. Nhà hàng Trần đáp ứng được nhiều tiêu chí để phục vụ du khách như mặt bằng lớn, món ăn ngon - hợp vệ sinh, thái độ phục vụ tốt. Hiện tại, có nhiều nhà hàng, quán ăn thực sự kinh doanh dịch vụ ẩm thực phục vụ du lịch, ngoài chuỗi nhà hàng Trần, có các nhà hàng hải sản ven biển Mỹ Khê, Apsara, Phì Lũ, Trúc Lâm Viên… luôn chu đáo trong việc tân trang không gian, phong cách phục vụ, nhân viên, thực đơn phục vụ thực khách và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Những nhà hàng này còn tham gia các chương trình quảng bá ẩm thực ở sự kiện văn hóa-du lịch ở Đà Nẵng. Tuy nhiên số lượng nhà hàng như vậy không nhiều.

Theo dự báo của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, vào năm 2015 thời gian lưu lại thành phố Đà Nẵng của du khách sẽ là 2,3 ngày (đối vối khách quốc tế) và 2,2 ngày (đối với khách trong nước). Con số này dự kiến đến năm 2020 sẽ là 2,5 ngày và 2,4 ngày. Với khoảng thời gian này, số bữa ăn phục vụ du khách sẽ tăng từ 5 bữa (vào năm 2008) lên 7 bữa trong giai đoạn 2011-2015 và 8 bữa vào năm 2020.

Ẩm thực phục vụ du lịch

Những năm qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ ẩm thực ở Đà Nẵng có bước phát triển vượt bậc, đã có những con phố ẩm thực như khu ẩm thực cạnh siêu thị Bài Thơ, khu ẩm thực trong siêu thị Big C và Food Court trong Trung tâm thương mại Indochina Riverside, "phố" bún chả cá trên đường Nguyễn Chí Thanh. Theo nhận định của một số nhà điều hành tour như Vietravel, Saigontourist... thì hiện nay ẩm thực đã được ngành du lịch Đà Nẵng quan tâm nhiều hơn trước nhưng để xem nó như một loại hình sản phẩm du lịch thì kết quả vẫn chưa khả quan.

Trong đề án nghiên cứu Ẩm thực phục vụ du lịch Đà Nẵng do Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng triển khai, khảo sát về các chương trình tour dành cho du khách nước ngoài đến Đà Nẵng cho thấy phần lớn các hãng lữ hành khi chào bán các tour du lịch thường chỉ nhấn mạnh đến sự hấp dẫn của các điểm tham quan, nghỉ dưỡng; tiện nghi của nơi lưu trú và phương tiện đưa đón; thái độ phục vụ của nhân viên..., mà ít quan tâm giới thiệu về văn hóa ẩm thực và đặc sản ẩm thực của Việt Nam cũng như của Đà Nẵng như một loại hình sản phẩm cần được quảng bá, khai thác.

Du khách biết đến ẩm thực Đà Nẵng và Việt Nam chủ yếu qua lời kể của bạn bè, hoặc qua sự giới thiệu trực tiếp của hướng dẫn viên chứ chưa có các chương trình quảng bá cho thương hiệu ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực Đà Nẵng nói riêng một cách bài bản. Nên dù Đà Nẵng có những đặc sản ẩm thực ngon, độc đáo thì không phải du khách nào cũng biết, hoặc có biết thì cũng khó tìm để thưởng thức.

Tại nhà hàng Madame Lân, hơn 1 tháng qua đã phối hợp cùng Sở VH-TT và Du lịch Đà Nẵng tổ chức các lớp cooking class dành cho du khách quốc tế mong muốn được thử nghiệm chế biến các món ăn Việt Nam. Những lớp học này, theo chị Thanh Chi, mới chỉ là bước thử nghiệm để du khách tìm hiểu về món ăn Việt, hơn là quảng bá thực sự có hiệu quả cho đông đảo du khách khi muốn đến Đà Nẵng, Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết, hằng năm đã tổ chức Hội thi Đầu bếp giỏi Đà Nẵng mở rộng, tổ chức tọa đàm về ẩm thực, trưng bày và triển lãm các món ăn đặc sản Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung; tổ chức các cuộc thi pha chế, trình diễn Bartender; lồng ghép quảng bá ẩm thực xứ Quảng, quảng bá Đà Nẵng là điểm đến hội tụ của ẩm thực nhiều nơi trong nước và trên thế giới trong các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch.

Tuy nhiên dịch vụ ẩm thực ở Đà Nẵng chưa thực sự trở thành sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ẩm thực đa dạng của du khách. Theo các hãng lữ hành, nguyên nhân của tình trạng trên là do các nhà hàng ít tiếp thị cho các hãng lữ hành về sản phẩm ẩm thực của họ, nên các hãng lữ hành ít có thông tin để đưa vào chương trình tour nhằm giới thiệu, chào bán sản phẩm ẩm thực cho du khách.

Theo các nhà làm du lịch, người nghiên cứu văn hóa đất Quảng thì đặc sản ẩm thực Đà Nẵng gồm 20 đặc sản ẩm thực phổ biến: mì Quảng, bún chả cá, bún cá thu/cá ngừ, bún mắm thịt heo, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh tráng đập, bún thịt nướng, bánh xèo/nem nướng, chả bò, mít trộn, tôm hùm, các món mực hấp và nướng, các món cá biển hấp và nướng, các món ốc hấp và nướng, cao lầu, hến xào, cơm gà, yến sào, hải sâm, xôi đường.

Theo BaoDaNang.Vn