Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Audio Người Quảng đi ăn mì Quảng

Thương tô Mỳ Quảng!

“Giả dụ bây giờ mở một cuộc thi nấu mì Quảng thế nào cho đúng, chắc chắn thí sinh sẽ ẩu đả với thí sinh, giám khảo ẩu đả với giám khảo ba ngày ba đêm chứ chẳng chơi! Mà tô mì Quảng đúng nhãn hiệu sẽ không bao giờ được xác định trên cõi đời này! Bởi mì Quảng là món ăn chỉ đúng với ký ức và trải nghiệm của từng người! “ – Nguyễn Nhật Ánh.


Nói đến Việt Nam là người ta nhắc đến Phở, biết thêm chút nữa thì cũng chỉ đến Bún Bò Huế. Không phải chỉ với người nước ngoài, ngay cả trong nước, cũng ối người không biết đến cái món tên là Mỳ Quảng. Nhiều lúc tui tự hỏi bản thân rằng là cái món Mỳ Quảng quê tui hắn ngon như rứa, nói thiệt là không kém chi hai món kể trên, mà tại răng lại không nổi tiếng.

Nghĩ một hồi lâu, tui chợt nhận ra một điều là, cái thứ Mỳ Quảng mà tui thầm thương trộm nhớ hắn không đủ chuẩn để được nổi tiếng. Cái chuẩn ở đây không phải là cái chuẩn ngon dở, mà là cái chuẩn mực tự thân của món ăn. Người ta có thể định nghĩa một tô phở chuẩn, một tô bún bò Huế đúng điệu, chứ chẳng ai dám khẳng định như thế nào là một tô mỳ Quảng đúng nghĩa.

Bản chất của mỳ Quảng là chông chênh và bất định. Chông chênh và bất định hệt như đời sống của những người nông dân xứ Quảng ngày xưa. Đất đai nghèo nàn, hạn hán lũ lụt, nơi cá, nơi tôm, chỗ nào sẵn có cái gì là người ta đem nấu mỳ Quảng, xì xụp ăn cùng với người thân. Rứa cho nên bây giờ, nói tới mỳ Quảng là nói tới bèo bèo cũng chục loại nước nhưn (nhân). Tôm, thịt, tôm thịt, heo, bò, gà, ếch, lươn, cá lóc, sứa…….. Chưa kể đến sự khác nhau về các loại rau sống ăn kèm, màu sắc sợi mỳ, loại ớt ăn kèm, và còn nhiều nữa. Nói đơn giản cho mọi người có thể hiểu được căn cơ của cái món mỳ Quảng là gì, tui xin tóm gọn trong công thức sau đây:
  • X là loại thịt dung nấu nước nhưn 
  • Y là loại rau sống ăn kèm 
  • Z là loại bánh tráng hay phồng tôm 
  • N là phương pháp nấu 
Thì ta có: (X + Y + Z )*N = Mỳ Quảng.

Giải cái phương trình 4 ẩn kia ra được bao nhiêu nghiệm, thì có bấy nhiêu cách nấu mỳ Quảng để mà người ta có thể thưởng thức.

Có một câu hỏi như sau: “Hỏi dân Quảng, mỳ Quảng như răng là ngon nhứt?”

Với tui thì tô mỳ Quảng ngon nhứt là tô mỳ gà mẹ nấu nhân dịp cây chuối sau nhà trổ bông(bông chuối làm rau sống thì…). Ngon nhì là tô mỳ gà “Chế” của bà chị ở trọ cùng nơi đất khách quê người. Ngon sau nữa là tô mỳ tôm thịt “Chan thêm nước nước bún” cho ngập mặt mỳ mà tui kêu mỗi khi ăn ở cái quán trong hẻm nhà tui (món ni là độc quyền của tui, có chăng thì thêm thằng bạn hàng xóm của tui bắt chước ăn theo rồi biết nó ngon cỡ nào thôi)……

Cứ rứa đó, mỗi tô mỳ Quảng “Ngon” trong định nghĩa của người Quảng thường gắn với 1 hoài niệm chi đó. Ra quán ăn, quán ngon nhất là quán nấu giống với tô Mỳ trong ký ức kia nhất.

Mà cái thứ mỳ Quảng hắn hấp dẫn chi lạ. Mấy ai ăn một tô mỳ Quảng mà đủ…Phê. Ăn mỳ Quảng là phải ăn 2 tô. Như tác giả Trưởng Năng Tiến có viết trong một truyện ngắn như ri “Nhân loại có thể đổ đi ba tỉ tô phở, hai tỉ tô bún, và một trăm tỉ tô mì hay hủ tíu nhưng không ai có thể bỏ dở một "tô mì quảng ăn thêm." Mì quảng không làm ai ngán. Ăn nhiều thì nó bớt ngon chút xíu thôi hà.”.

Qua tới Mỹ, vô một quán nọ, thấy người ta để chần dần một dòng: MỲ QUẢNG, tự nhiên thấy bồi hồi một xí, order ngay một tô không chút do dự. Đợi! Và rồi thất vọng. Thất vọng vì sợi mỳ khô rang không chút dầu phụng. Thất vọng vì nước quá nhiều, thịt quá nhiều, mà rau thì để riêng trong đĩa một cách ngay ngắn. Thất vọng thêm cái nữa là họ đem ra đôi đũa cùng với…cái thìa =))…. Mượn lời của Trưởng Năng Tiến: “Người ta xêu nhẹ vài sợi mì vào muỗm, gắp thêm một chút rau, ấn nhẹ muỗm xuống tô để lấy thêm chút nước... rồi e ngại, rụt rè đưa vào mồm. Và rồi sẽ hiểu thế nào là nỗi thất vọng đắng cay của kẻ "yêu lại một người yêu thất tiết”. Thấy xót thiệt, thấy nó kệch cởm, đểu giả và học đòi đến mức đáng thương. Nhưng trên hết, mỳ Quảng nơi đây đã mất CHẤT rồi.

Cái CHẤT của mỳ Quảng chính là một trong những nguyên do khiến nó không thể “Sánh vai với các cường quốc năm châu” được. Ăn nó phải xì xụp, phải bưng tô, phải trộn, phải ăn vã, phải… quê một chút nó mới ngon. Chứ mỳ Quảng thì “không thể nào được đặt trên bàn ăn trải khăn trắng, dưới ánh đèn màu, và bên cạnh một bình hoa daisy; mì quảng lại càng trông khổ sở ngượng ngịu trên tay người bồi bàn mặc áo "chemise" trắng, cổ thắt nơ đen...” được.
Nhưng không phải nói là Mỳ Quảng thì không SANG. Mỳ mẹ tui nấu sang lắm. Một cái nia to chừng cái mâm ăn cơm, trên đó lót lá chuối được lau sạch. Rồi sau sống, sợi mỳ Quảng, ớt xanh nguyên trái, chanh, một chén đậu phụng, một chén hành lá, một tô nước nhưn được đặt lên trên cái nia đó. Mỗi nia là 3-4 người ăn. Ăn trong tô sứ dầy trắng, ăn bằng đũa gỗ đen mộc mạc. Không thể sang trọng hơn. Không thể tinh tế hơn. Và không thể Việt Nam hơn được.

Nhưng mà….

Các cô U30 nghe đồn là hạng sang và sành ăn bây giờ, người ta ăn thì chỉ ăn bằng một tay, một tô thì quơ đâu vài cọng mỳ, húp vài ba muỗng nước dùng. Người ta còn phải “DIET” thì cái món ngập chất béo như Mỳ làm sao mà các cô chịu ăn. Rồi ăn vã hả, như thế thì trầy son môi của các cô hết. Các cô là cứ phải Bò Kobe, bò úc, thịt cừu thì các cô mới tiêu hóa được. Cái giới sành ăn bây giờ thật là chảnh… “cờ hó”. Mà có phải các cô, các em không đâu. Các cô không đi ăn, thì bố bảo các anh, các bác dám đi nhé.

Lan man quá rồi. Chốt lại thôi.

Tui hy vọng rằng cái món ngon của quê tui một ngày nào đó sẽ được mọi nơi biết đến. Nhưng tui lại mong nó đừng đi quá xa cái xứ Quảng. Phải dân Quảng, phải có cái tính ƯA CÃI, mới có thể nấu được một tô mỳ Quảng “ra hồn”. Chốt bài bằng một đoạn của Nguyễn Nhật Ánh. Ông Ánh ni với mỳ Quảng giống hệt Trần Đăng Khoa đối với phở. Tui thề chưa ai nghiên cứu mỳ Quảng nhiều hơn lão.

“Những người Quảng đi ăn mì Quảng không chỉ làu bàu bực bội. Giận thì giận mà thương thì thương. Sau khi tuôn một tràng bình phẩm, cuối cùng bao giờ cũng là những góp ý nhiệt tình: Nhưn phải thế này, rau phải thế này, bánh tráng phải thế này… Điều đó thật ra là gì? Chẳng qua họ nóng lòng muốn món mì Quảng quê hương phải ngon hơn, phải “đúng” hơn, phải danh giá hơn để họ có cái mà giới thiệu, mà kể lể, mà tự hào với bè bạn xứ người và với đám con cháu sinh ra và lớn lên nơi đất ngụ cư. Khi rời khỏi vùng đất sản sinh ra nó, mì Quảng không còn thuần túy là món ăn nữa mà trở thành một trong những biểu tượng văn hóa của một vùng đất lắm kẻ tha hương. Về điều này, có thể mạo muội mượn hai câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên để cải biên cho hợp:

Khi ta ở chỉ là nơi “mì” ở

Khi ta đi “mì” đã hóa tâm hồn!

Tất nhiên, nghe khách góp ý, chủ quán nếu là người Quảng Nam chính gốc sẽ gân cổ cãi cho kỳ được để vừa bảo vệ cho món “mì Quảng của làng mình” vừa bảo vệ cho câu tục ngữ “Quảng Nam hay cãi”. Nếu không phải là người Quảng, chủ quán sẽ cười cười “Vâng, tôi sẽ tiếp thu và cố gắng sửa chữa…” Dĩ nhiên sau đó, chẳng chủ quán nào chịu mất công sửa chữa, vì nếu sửa theo thực khách A, chắc chắn thực khách B sẽ nổi trận lôi đình…”

Kent!

Tây hát Mì Quảng Song


Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

NHỮNG LOẠI HÌNH DU LỊCH ĐÀ NẴNG HAY HO BẠN KHÔNG THỂ KHÔNG BIẾT

1. Du lịch tự túc

Một trong những loại hình du lịch được du khách yêu thích nhất khi đến Đà Nẵng là du lịch tự túc. Nếu bạn không muốn bị gò bó trong khuôn khổ của các tour du lịch có sẵn, nếu muốn tự mình khám phá đây đó thành phố, tự do tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi thật thoải mái thì đây là hình thức thích hợp nhất dành cho bạn.

Mức sống của người dân Đà Nẵng có phần thấp hơn so với 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh, lại không bị hô giá “trên trời” nên bạn có thể an tâm về khoản chi tiêu cho các hoạt động ăn uống, vui chơi, tham quan các địa điểm du lịch.

2. Du lịch kết hợp tình nguyện

Hình thức này tuy không còn mới mẻ nhưng luôn thu hút đông đảo khách du lịch bởi ý nghĩa và tính nhân văn của nó, đặc biệt với các bạn trẻ yêu thích công việc tình nguyện. Ở Đà Nẵng có khá nhiều địa điểm để bạn lựa chọn du lịch tình nguyện như làng trẻ mồ côi SOS, bệnh viện tâm thần Đà Nẵng …

Nếu như ghé Đà Nẵng vào các dịp lễ như 1/6; No-en thì các CLB yêu thương Đà Nẵng sẽ là lựa chọn tốt nhất cho bạn. Sẽ thật vui và ý nghĩa khi bạn vừa đi du lịch, lại vừa góp thêm tấm lòng của mình đến với các mảnh đời bất hạnh.

3. Du lịch kết hợp nhiều đia điểm du lịch sinh thái

Ý tưởng hay ho để bạn vừa được đi du lịch ở nhiều địa điểm khác nhau trong thành phố, vừa có thể tiết kiệm được quỹ thời gian eo hẹp của mình – đó là du lịch kết hợp các địa điểm du lịch gần nhau.

Bạn có thể tham khảo một vài điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài thành phố như: Ngũ Hành Sơn – Hội An – Cù Lao Chàm; Sơn Trà; cụm suối ở Hòa Phú gồm suối Hoa – Ngầm Đôi – Hòa Phú Thành, xa hơn có thể phượt ở đèo Hải Vân – Lăng Cô được mệnh danh là thiên hạ đệ nhất hùng quan, một loạt các điểm đếntuyệt đẹp ở bán đảo Sơn Trà như bãi Rạn – bãi Bụt- bãi Nam- đỉnh Bàn Cờ- chùa Linh Ứng Sơn Trà – cây đa ngàn năm.

4. Du lịch nội thành trong 1 ngày

Không cần phải đi xa tít ngoài ngoại ô Đà Nẵng, ở nội thành cũng “quá trời” địa điểm hay ho đang chờ đón bạn khám phá. Đà Nẵng khá nhỏ nên chỉ càn 1 ngày, bạn đã thừa sức để chiêm ngưỡng quang cảnh của toàn thành phố. Bắt đầu bằng buổi sáng ở phố ẩm thực đường Phạm Hồng Thái, cafe ở tuyến đường Bạch Đằng để thư thả ngắm sông Hàn, tham quan bảo tàng Chăm pa cổ kính. Buổi trưa có thể dừng chân ở các quán ăn như đặc sản Trần, mỳ quảng ếch Trang, bánh xèo bà Dưỡng …

Chiều lại lang thang ở khắp các con phố Trần Phú, Nguyễn Chí Thanh, Lê Duẩn … nếu có thời gian bạn có thể ghé vào chợ Cồn, chợ Hàn để tận mắt chiêm ngưỡng sự nhộn nhịp, sinh động trong các khu chợ lớn nhất nhì thành phố này. Sự lựa chọn hoàn hảo nhất vào buổi tối dành cho bạn là đi tham quan các cây cầu trứ danh ở Đà Nẵng, từ cầu Thuận Phước, cầu Sông Hàn, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, đến cây cầu tàu tình yêu mới được khánh thành đang “làm mưa làm gió” các đôi tình nhân ở Đà Nẵng. Nếu bạn đi vào dịp thứ bảy chủ nhật thì còn có thể ngắm cầu Rồng phun lửa phun nước rất thú vị.

Chúc các bạn có một chuyến du lịch Đà Nẵng thật vui vẻ và ý nghĩa.

Trích dẫn thông tin từ website www.danangplus.net

Đậm đà tô mì Quảng ếch

Người dân Quảng Nam quê ngoại tôi thường có câu cửa miệng “ếch tháng ba, gà tháng chạp” để ca ngợi hương vị thơm ngon của hai loại thực phẩm này vào thời điểm ấy.

Riêng tôi cảm nhận điều đó qua những lần cùng mẹ về quê thăm ngoại ở xứ Quảng khi được thưởng thức món mì Quảng ếch. Ngay nay, từ năm chí bắc, mòn mì Quảng không chỉ xuất hiện tại nơi  nó sinh ta mà hầu như có mẳt trong thực đơn của không ít nhà hàng trên mọi vùng miền của tổ quốc. Mì Quảng rất đa dạng, có nơi người ta dùng gà để nấu, có nơi dùng cá lóc, có nơi dùng tôm thịt, trứng cút, trứng vịt… nhưng đặc biệt người dân quê ngoại tôi ai cũng biết nấu và ghiền món mì Quảng ếch.


Vì thế mỗi lần có dịp về quê ngoại vào những ngày tháng ba âm lịch, dù món ăn cây nhà lá vườn không thiếu nhưng tôi vẫn luôn khát khao được thưởng thức một tô mì Quảng ếch, một đặc sản mà tôi cảm nhận ngon đến tận xương tủy.

Cái thú của món ăn này là cảnh soi đèn bắt ếch cùng ông ngoại. Sau cơn mưa chiều rả rích, ăn cơm xong, quần điếu thuốc lá rê phì phà cho thơm miệng, ông ngoại mặc áo mưa và vào cầm đèn pin ra đồng soi ếch. Lục tục theo ông men theo mép ruộng, quần sắn lên quá đầu gối, hai ông cháu bì bõm gần 2 tiếng đồng hồ thì thu hoạch gần được 5-7 con ếch chắc nịch.

Sáng hôm sau, trước khi đi chợ mua mì và các phụ liệu cần thiết cho món ăn  mà đứa cháu ghiền, bà ngoại không quên dặn ông ngoại ở nhà làm thịt ếch và tẩm ướp gia vị theo đúng lời bà dặn. Ngoại đi chợ về là cũng vừa khớp với thời gian thịt ếch thấm gia vị. Bắt nồi lên bếp, ngoại lấy dầu phộng phi hành tím cho thật thơm rồi trút thịt ếch đã được ướp với tỏi, nghệ, củ nén giã dập cùng với một ít nước sôi và chờ nồi nhân sôi bùng lên thêm vài phút nữa rồi tắt bếp. Thế là nồi nhân ếch cho món mì Quảng đã được hoàn thành. Trong khi bà ngoại lui cui dưới bếp để nấu nước nhân, tôi và ông ngoại nhặt rau, rang đậu phộng, nướng bánh tráng, pha chế nước mắm tỏi ớt, thái hành ngò, chanh ớt…

Ông ngoại bảo trẻ con ăn thịt ếch rất tốt, xương xóc cứng cáp mạnh khỏe. Chẳng biết điều ông nói đúng hay không nhưng hình ảnh và hương vị thơm ngon của tô mì Quảng thịt ếch mà ông bà lui cui chế biến dành cho lũ cháu xa quê như tôi rất đỗi ngọt ngào và đầy ắp ân tình quê hương.

Theo Thanh niên Tuần san
- See more at: http://www.toptentravel.com.vn/dam-da-to-mi-quang-ech.html#sthash.zr1EVIHE.dpuf

Mì ếch - “biến tấu” ẩm thực của người xứ Quảng

Mì Quảng ếch là một “phá cách” hấp dẫn nhưng vẫn lưu giữ được hương vị đất Quảng.

bếp Trang - 441 Ông Ích Khiêm - Đà Nẵng
Khi đến Đà Nẵng - thành phố biển miền Trung xinh đẹp, du khách sẽ liệt kê vào danh sách những món ăn “không thể bỏ qua” loại mì truyền thống như mì Quảng cá lóc, mì Quảng tôm, gà, trứng, thịt…

Nhưng không có một công thức bất di bất dịch nào cho món ăn đậm đà hương vị miền Trung này, vì thế bạn hãy thử mì Quảng ếch - biến tấu lạ miệng hiện đang được các thực khách trẻ tuổi hào hứng lựa chọn.

Ếch ăn kèm mì Quảng là loại ếch đồng, thịt thơm và chắc, được chặt thành từng miếng to vừa ăn, rồi tẩm ướp với các loại gia vị (gồm hành tím, nghệ tươi giã nhuyễn, tiêu, muối, mắm, ớt, bột ngọt). Sau khi tẩm ướp đủ độ, ếch được xào với dầu phộng và các loại gia vị trong vòng 7 phút. Khi thịt ếch chín, chủ quán nhanh tay cho thơm, cà chua vào xào cùng rồi đổ thêm nước sôi, chờ thêm một chút rồi cắt hành khúc bỏ vào nồi, tắt bếp. Tô mì ếch nóng hổi, lạ miệng cùng hạt đậu phộng rang và miếng ớt sừng trâu sẽ mang đến cho thực khách vị ngọt thơm, béo ngậy của thịt ếch hòa lẫn với sợi mì và miếng bánh tráng giòn rụm xen giữa những cọng rau xanh.

Mì Quảng ếch là một “phá cách” hấp dẫn nhưng vẫn lưu giữ được hương vị đất Quảng. Ở Đà Nẵng có nhiều quán mì Quảng truyền thống đã được “chỉ điểm” trong các guide book như mì Quảng 1A Hải Phòng, mì Quảng Bà Lữ (126 Hàm Nghi), mì Quảng Túy Loan…; còn với món mì Quảng ếch, bạn có thể tới quán 441 Ông Ích Khiêm (quán Trang) với mức giá dao động 15 - 30 nghìn/tô tùy tô lớn - nhỏ.

T.H
http://www.baogiaothong.vn/mi-ech--bien-tau-am-thuc-cua-nguoi-xu-quang-d106554.html

Ăn mì quảng ếch ở Đà Nẵng

(iHay) Mì quảng ếch ở Đà Nẵng là biến tấu thông minh của người xứ Quảng, giúp thứ đặc sản quen thuộc như hơi thở trở thành một món ăn mang hương vị cá tính hơn.

Với mì quảng ếch, nếu là những người đã quen ăn mì quảng “cổ điển” thật không dễ chấp nhận, bởi mì quảng phải là sự kết hợp của thịt heo và tôm mới “chuẩn mực”.

Nhưng giới trẻ thì lại vô cùng thú vị với sự biến tấu lạ miệng này. Ếch ăn kèm mì quảng phải là loại ếch đồng thì thịt mới thơm và chắc, mới tạo nên một nồi mì quảng có vị ngọt thanh tao, tự nhiên.

Ếch mang về, làm sạch da và nội tạng, chỉ lấy phần thịt và xương ếch. Chặt ếch thành từng miếng to vừa ăn, rồi tẩm ướp với các loại gia vị như hành tím, nén, nghệ tươi giã nhuyễn; tiêu, muối, mắm, ớt, bột ngọt.

Cho dầu phụng phi với một ít nén giã nhuyễn, dầu chín tới thì cho ếch vào om nhỏ lửa. Để lửa riu riu đến khi miếng thịt ếch vừa thấm tháp thì cho thêm ít nước, nấu thêm một chút rồi nêm nếm cho nhân thật vừa miệng.

Đã là mì quảng, thì ngoài nhân ngon, sợi mì được tráng từ loại gạo ngon, thì còn phải hội đủ thêm các yếu tố: rau sống tươi phải có cải con và bắp chuối xắt sợi, đậu phụng quê rang chín giã nhuyễn, miếng bánh tráng nướng giòn rụm, ớt xanh xứ Quảng đi kèm..., vậy mới đúng điệu.

Mì quảng ếch cũng vậy, phải giữ lại những món ăn kèm của mì quảng nguyên bản, nên vẫn lưu được hương vị đậm chất quảng. Thịt ếch thấm tháp, nước nhân đậm đà, làm nên một món mì quảng “phá cách” vô cùng ngon.

Mì quảng, với sợi mì to được chế biến từ loại gạo ngon đã quá quen thuộc với người xứ Quảng 
Nhưng khi “phá cách” kết hợp với ếch, món mì quảng truyền thống đã trở nên độc đáo, lạ miệng
Ếch được om trên lửa riu riu, để thịt ếch thấm tháp và nhân giữ được vị đậm đà của món mì quảng
Rau sống ăn kèm không thể thiếu cải con và búp chuối xắt sợi 
Và miếng bánh tráng giòn rụm 

Theo iHay - Thanh Niên
http://ihay.thanhnien.com.vn/de-nhat-khoai/hom-nay-an-gi/an-mi-quang-ech-o-da-nang-426.html

Lạ miệng cùng mì Quảng ếch đồng

Cha đẻ Mì quảng Ếch Đà Nẵng - là đầu bếp Trang - 441 Ông Ích Khiêm - Đà Nẵng
Thực đơn mì Quảng hiện nay rất phong phú. Từ tô mì gin truyền thống có nước nhưn được làm bằng tôm thịt, đến mì gà, mì cá lóc, mì bò, bò trứng hay mì hến, mì lươn.

Tuy nhiên, không phải người Quảng Nam nào cũng từng ăn thử một tô mì ếch dù món ăn này được cho là dân dã và gần gũi với bà con xứ này.

Lần đầu tiên tôi thưởng thức tô mì ếch khi về thăm nhà người bạn tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (Quảng Nam), cách đây gần 5 năm. Chiều ấy trời mưa dai dẳng, bố bạn “vỗ đùi cái đét” rồi quay sang tôi cười bảo: Tối nay bác sẽ mời cháu tô mì quảng ếch đồng. Nói xong, ông nhờ bác gái đi chợ mua mì còn mình vào nhà mang theo đèn pin đi soi ếch.

Một giờ sau, ông trở về cùng những con ếch to tròn, loang loáng nước và đi thẳng ra giếng đá sau nhà. Ở đó, ông hái lá tre chà sát mình ếch để loại bỏ hết chất nhờn rồi dùng dao lột nhẹ lớp da, mổ cắt bỏ hết nội tạng chỉ để lại phần thân và đùi.

Thịt ếch sau khi làm sạch được ông cắt thành từng miếng, tẩm ướp các loại gia vị như hành, sả, tỏi, nước mắm, bột ngọt, muối, ớt với lượng vừa ăn. Đặt chảo lên bếp, phi dầu phộng với hành tím, tỏi, nghệ tươi băm nhỏ và cho ếch vào xào chừng 7 phút để ngấm gia vị.

Khi thịt ếch chín ông mới cho thơm, cà chua vào xào cùng rồi đổ thêm nước sôi, chờ sôi thêm một lúc rồi cắt hành khúc bỏ vào nồi, tắt bếp. Dạo ấy lần đầu tiên ăn mì ếch nên trong tôi có sự háo hức, đợi chờ. Và rồi, tô mì ếch nóng hổi bưng lên, và vào miệng, thêm vài hạt đậu phộng rang cùng miếng ớt sừng trâu, tôi cảm nhận vị ngọt thơm, béo ngậy của thịt ếch hòa lẫn vào sợi mì.

Lần thưởng thức tô mì ếch thơm lừng năm đó khiến cho sau này, mỗi dịp đi ăn mì Quảng, tôi đều ngó nghiêng xem thực đơn có món mì ếch hay không. Thường thì những lần như thế, tôi đều thất vọng vì không nhiều quán mì Quảng hiện nay có món mì này.

Ở Đà Nẵng, nếu muốn thưởng thức món ngon này, tôi có thể đến địa chỉ 441 Ông Ích Khiêm, một quán nhỏ khá bình dân nhưng có đầy đủ các loại nhưn dành cho mì Quảng.

Giữa phố xá bộn bề, giữa những dãy hàng quán đủ loại, quán mì Ái Nghĩa vẫn tấp nập khách vào ra. Họ đến đây để thưởng thức tô mì ếch lạ miệng, ngọt thơm. Cũng tại đây, có lần tôi gặp một thực khách người Quảng Trị nhưng ghiền món mì ếch đến nỗi lần nào đến quán cũng gọi riêng món này để thưởng thức.

Anh bảo, ăn một lần rồi ghiền luôn đến giờ nên mỗi khi có dịp ghé quán, anh đều chọn mì ếch như một lẽ tất nhiên phải thế. Ở đó, tôi cũng gặp rất nhiều người Quảng Nam đến ăn tô mì ếch như một cách nhớ về những mùa mưa nơi quê nhà.

http://www.baodanang.vn/channel/5433/201501/moi-tuan-mot-dia-chi-la-mieng-cung-mi-quang-ech-dong-2393270/ 
HUỲNH LÊ - BaoDanang.vn

Cô gái say mê quê hương

Đó là Lê Hạ Uyên, cô gái đã bỏ rất nhiều thời gian, công sức ra để quảng bá về ẩm thực xứ Đà Nẵng quê hương mình trên một trang web (www.danangcuisine.com).

Khi mọi người vẫn đổ xô vào các mạng xã hội thì Lê Hạ Uyên, một blogger trẻ với nickname Summer vẫn trung thành với trang web riêng viết bằng song ngữ Anh-Việt. Chọn một hướng đi riêng là chuyên về ẩm thực Đà Nẵng, Hạ Uyên đã ít nhiều gây được sự chú ý với bạn đọc thế giới. Vừa qua, tạp chí Weekend Weekly của Hong Kong đã dành ra hơn 20 trang, kể cả trang bìa, để viết về du lịch và ẩm thực của Đà Nẵng. Để làm được điều này, họ đã tìm hiểu và được sự giúp đỡ của Uyên. Đặc biệt, tạp chí này cũng dành riêng hai trang để phỏng vấn cô gái đam mê quê hương mình.



Trang web sinh động

Lê Hạ Uyên trông như một cô tiểu thư với cặp kính cận và mái tóc buông dài tự nhiên. Với đặc trưng riêng của người Đà Nẵng, chỉ cần nghe giọng nói là lặp tức thấy gần gủi, Uyên nối câu chuyện bằng cách trả lời giản dị nhẹ nhàng. Uyên kể, những tháng đi du học ở Nhật và Úc đã mở ra một thế giới mới vô cùng phòng phú về ẩm thực đối với cô. Vốn yêu ẩm thực Đà Nẵng với những món truyền thống đặc sắc như mì Quảng, bún mắm nêm, bún chả cá...Uyên nghĩ mình cần phải xây dựng một trang web về ẩm thực Đà Nẵng để giới thiệu, chia sẻ những điều mà mình vô cùng yêu mến ở quê hương.

Trang web của Uyên bao gồm nhiều bài viết công phu bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt về những điểm thú vị trong ẩm thực, hướng dẫn cách nấu các món ăn Đà Nẵng. Điều khiến trang web thu hút hơn hẳn những website ẩm thực thông thường là ngoài hình ảnh minh họa, Uyên còn nhờ chị gái mình là Helen Lê chế biến các món ăn và quay phim lại, cắt, dựng thành những clip hướng dẫn rất cụ thể và sinh động.

danangcuisine.com


Không ngại mất thời gian

Để đảm bảo thông tin chính xác, trước khi viết bài, Uyên phải nghiên cứu trên mạng và các nguồn thông tin khác. Với những bài viết về quán xá, cô phải đến tận nơi để chụp hình quán, món ăn, hỏi giá tiền và học hỏi thêm cách nấu sao cho ngon.

Việc viết bằng tiếng Anh chiếm nhiều thời gian. Uyên đọc thêm các blog ẩm thực tiếng Anh khác, hoặc xem những chương trình ti-vi về nấu ăn của nước ngoài để bổ sung thêm từ vựng cho mình, tránh lặp đi lặp lại gây nhàm chán cho người đọc.

Ngoài ra, Uyên còn phải viết sao cho dí dỏm, sáng tạo để gây hứng thú cho người đọc. Nhờ việc này, khả năng tiếng Anh của Uyên đã tiến bộ rất nhanh, đặc biệt là mặt ẩm thực. Cô cũng tập được cho mình tính kiên nhẫn và cẩn thận, biết sắp xếp ý tưởng. Mỗi lần viết bài, chưa kể thời gian đi ăn, cô mất cả ngày hoặc hơn để nghĩ ý tưởng, viết, sửa bài, sửa ảnh, đăng lên...và tốn thời gian đọc các comment.

Phản hồi của bạn đọc rất quan trọng với Uyên. Cô kể: "Mỗi lần đọc comment tích cực, tôi thấy rất vui và muốn tiếp tục viết. Nhiều người đã viết e-mail mời tôi đi ăn khi họ đến Đà Nẵng. Trong đó có hai nhà báo người Mỹ, một người Úc làm ở Đại sứ quán Úc tại Việt Nam, một nhà văn người Anh và các Việt kiều, người nước ngoài ở Việt Nam...Trang web đã giúp tôi mở rộng quan hệ của mình".

Quan trọng là dám làm

Rất nhiều người có thú vui ăn uống, nhưng không phải ai cũng có thể biến thú vui đó thành một việc có ích cho xã hội như Uyên. Mục tiêu của cô là giới thiệu và tôn vinh văn hóa ẩm thực của quê hương mình ra quốc tế.

Lê Hạ Uyên vui vẻ kể thêm: "May mắn là sau hơn 1,5 năm hoạt động, trang web chỉ nhận được duy nhất một phản hồi tiêu cực. Người đó phàn nàn rằng tại sao tôi không nói tiếng mẹ đẻ mà lại nhắm vào độc giả nước ngoài nên các video hướng dẫn kém thân thiện. Người đó còn trách rằng trang web của tôi mang mục đích kinh doanh và quảng cáo chứ không phải nơi chia sẻ sở thích".

Hiểu lầm nho nhỏ đó không làm Uyên buồn lâu. Cô tin vào việc mình đang làm và tin mình làm đúng. Dù hoàn toàn phi lợi nhuận và rất mất thời gian, nhưng việc "chăm sóc" cho trang web thực sự là niềm vui của Uyên. "Quan trọng nhất là dám làm và làm được việc mình thích. Nếu việc đó có ích, được mọi người ủng hộ thì không còn gì hơn", Lê Hạ Uyên chia sẻ.

BÙI DZŨ
Theo tạp chí "Thế giới văn hóa"

Đến Đà Nẵng ăn món Quảng

Ẩm thực không thể thiếu trong chuỗi dịch vụ du lịch, phục vụ du khách. Muốn du khách đến, trải nghiệm với mỗi vùng đất, thì các món ăn là cách để "níu chân" du khách. Muốn làm được điều đó, cần quảng bá giá trị văn hóa ẩm thực chứ không thể "hữu xạ tự nhiên hương".

Nhà hàng Madame Lân đã xây dựng "phố ẩm thực trong lòng thành phố" có thể phục vụ du khách với món ăn 3 miền.
Món ăn 3 miền giữa thành phố biển

Hôm nay (26-4) là vừa tròn một năm khai trương nhà hàng Madame Lân. Nằm bên cạnh dòng sông Hàn thơ mộng, không gian nhà hàng như càng thật gần gũi với những người ở xa mới tới Đà Nẵng lần đầu bởi những bức tranh Đông Hồ hay những bức ảnh đen trắng về Hà Nội, Sài Gòn, Hội An. Giữa lối đi vào khu ẩm thực, chế biến những món bánh và chè, tự nhiên ta bắt gặp một con phố - phố Quang Trung, và đây được xem là nhà hàng với "phố trong phố - hội đủ những món ăn 3 miền giữa một thành phố biển miền Trung"... Khung cảnh nhà hàng này khá sang trọng, nhưng những món quà quê luôn hiện diện, là những món chính trong thực đơn như bánh xèo, bánh bèo, bánh vạc, hay những món "rất Quảng" như mì Quảng, cao lầu, bánh tráng thịt heo... với mức giá khá mềm. Trần Thị Thanh Chi, quản lý kinh doanh nhà hàng Madame Lân cho biết, đây là nhà hàng 3 miền, chế biến những món ăn phù hợp với khẩu vị người dân cả nước với chủ trương phục vụ những món ăn thuần Việt, theo tiêu chí "ngon-rẻ-đẹp-sang trọng-phục vụ tốt", nhưng với các sản vật địa phương thì các món miền Trung, đặc trưng là món Quảng vẫn chiếm phần lớn trong thực đơn của nhà hàng.

Ông chủ của nhà hàng Madame Lân là người Hà Nội, nhưng khi mở nhà hàng đã thu hút một đội ngũ đầu bếp đông đảo trên 20 người, mỗi người chuyên 1 đến vài món đặc sản của vùng miền, để cùng một thời điểm, nhà hàng có thể phục vụ được 400 khách. Chị Thanh Chi cho biết, sau 1 năm hoạt động, doanh số của nhà hàng tăng trưởng khoảng 35%, dựa vào khách địa phương và một lượng lớn khách du lịch.

Đến Đà Nẵng ăn món Quảng

Nhà hàng Madame Lân đã xây dựng "phố ẩm thực trong lòng thành phố" có thể phục vụ du khách với món ăn 3 miền.

Với chuỗi nhà hàng Trần đóng chân nhiều nơi trên địa bàn thành phố, các món đặc sản đất Quảng như mì Quảng, bánh cuốn thịt heo... đã thực sự tìm được "chỗ đứng" trên bảng thực đơn lựa chọn của du khách khi đến Đà Nẵng. Nhà hàng Trần đáp ứng được nhiều tiêu chí để phục vụ du khách như mặt bằng lớn, món ăn ngon - hợp vệ sinh, thái độ phục vụ tốt. Hiện tại, có nhiều nhà hàng, quán ăn thực sự kinh doanh dịch vụ ẩm thực phục vụ du lịch, ngoài chuỗi nhà hàng Trần, có các nhà hàng hải sản ven biển Mỹ Khê, Apsara, Phì Lũ, Trúc Lâm Viên… luôn chu đáo trong việc tân trang không gian, phong cách phục vụ, nhân viên, thực đơn phục vụ thực khách và công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Những nhà hàng này còn tham gia các chương trình quảng bá ẩm thực ở sự kiện văn hóa-du lịch ở Đà Nẵng. Tuy nhiên số lượng nhà hàng như vậy không nhiều.

Theo dự báo của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, vào năm 2015 thời gian lưu lại thành phố Đà Nẵng của du khách sẽ là 2,3 ngày (đối vối khách quốc tế) và 2,2 ngày (đối với khách trong nước). Con số này dự kiến đến năm 2020 sẽ là 2,5 ngày và 2,4 ngày. Với khoảng thời gian này, số bữa ăn phục vụ du khách sẽ tăng từ 5 bữa (vào năm 2008) lên 7 bữa trong giai đoạn 2011-2015 và 8 bữa vào năm 2020.

Ẩm thực phục vụ du lịch

Những năm qua, hoạt động kinh doanh dịch vụ ẩm thực ở Đà Nẵng có bước phát triển vượt bậc, đã có những con phố ẩm thực như khu ẩm thực cạnh siêu thị Bài Thơ, khu ẩm thực trong siêu thị Big C và Food Court trong Trung tâm thương mại Indochina Riverside, "phố" bún chả cá trên đường Nguyễn Chí Thanh. Theo nhận định của một số nhà điều hành tour như Vietravel, Saigontourist... thì hiện nay ẩm thực đã được ngành du lịch Đà Nẵng quan tâm nhiều hơn trước nhưng để xem nó như một loại hình sản phẩm du lịch thì kết quả vẫn chưa khả quan.

Trong đề án nghiên cứu Ẩm thực phục vụ du lịch Đà Nẵng do Viện Nghiên cứu và phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng triển khai, khảo sát về các chương trình tour dành cho du khách nước ngoài đến Đà Nẵng cho thấy phần lớn các hãng lữ hành khi chào bán các tour du lịch thường chỉ nhấn mạnh đến sự hấp dẫn của các điểm tham quan, nghỉ dưỡng; tiện nghi của nơi lưu trú và phương tiện đưa đón; thái độ phục vụ của nhân viên..., mà ít quan tâm giới thiệu về văn hóa ẩm thực và đặc sản ẩm thực của Việt Nam cũng như của Đà Nẵng như một loại hình sản phẩm cần được quảng bá, khai thác.

Du khách biết đến ẩm thực Đà Nẵng và Việt Nam chủ yếu qua lời kể của bạn bè, hoặc qua sự giới thiệu trực tiếp của hướng dẫn viên chứ chưa có các chương trình quảng bá cho thương hiệu ẩm thực Việt Nam nói chung và ẩm thực Đà Nẵng nói riêng một cách bài bản. Nên dù Đà Nẵng có những đặc sản ẩm thực ngon, độc đáo thì không phải du khách nào cũng biết, hoặc có biết thì cũng khó tìm để thưởng thức.

Tại nhà hàng Madame Lân, hơn 1 tháng qua đã phối hợp cùng Sở VH-TT và Du lịch Đà Nẵng tổ chức các lớp cooking class dành cho du khách quốc tế mong muốn được thử nghiệm chế biến các món ăn Việt Nam. Những lớp học này, theo chị Thanh Chi, mới chỉ là bước thử nghiệm để du khách tìm hiểu về món ăn Việt, hơn là quảng bá thực sự có hiệu quả cho đông đảo du khách khi muốn đến Đà Nẵng, Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng cho biết, hằng năm đã tổ chức Hội thi Đầu bếp giỏi Đà Nẵng mở rộng, tổ chức tọa đàm về ẩm thực, trưng bày và triển lãm các món ăn đặc sản Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung; tổ chức các cuộc thi pha chế, trình diễn Bartender; lồng ghép quảng bá ẩm thực xứ Quảng, quảng bá Đà Nẵng là điểm đến hội tụ của ẩm thực nhiều nơi trong nước và trên thế giới trong các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch.

Tuy nhiên dịch vụ ẩm thực ở Đà Nẵng chưa thực sự trở thành sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu ẩm thực đa dạng của du khách. Theo các hãng lữ hành, nguyên nhân của tình trạng trên là do các nhà hàng ít tiếp thị cho các hãng lữ hành về sản phẩm ẩm thực của họ, nên các hãng lữ hành ít có thông tin để đưa vào chương trình tour nhằm giới thiệu, chào bán sản phẩm ẩm thực cho du khách.

Theo các nhà làm du lịch, người nghiên cứu văn hóa đất Quảng thì đặc sản ẩm thực Đà Nẵng gồm 20 đặc sản ẩm thực phổ biến: mì Quảng, bún chả cá, bún cá thu/cá ngừ, bún mắm thịt heo, bánh tráng cuốn thịt heo, bánh tráng đập, bún thịt nướng, bánh xèo/nem nướng, chả bò, mít trộn, tôm hùm, các món mực hấp và nướng, các món cá biển hấp và nướng, các món ốc hấp và nướng, cao lầu, hến xào, cơm gà, yến sào, hải sâm, xôi đường.

Theo BaoDaNang.Vn

Ẩm thực nước ngoài tại Đà Nẵng

Ở Đà Nẵng hiện có khoảng trên 20 nhà hàng, khách sạn kinh doanh ẩm thực ngoại (chỉ tính những địa điểm có tính chuyên biệt). Các đơn vị này chủ yếu hoạt động độc lập theo hình thức kinh doanh tư nhân, nộp thuế cho Nhà nước.

Và theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Công ty Lữ hành Vitours thì, "Điều còn thiếu bây giờ là sự liên kết giữa các đơn vị này để hình thành các khu ẩm thực có quy mô, tập trung trong các ngày lễ, ngày cuối tuần thì sức hút đối với du khách sẽ khả quan hơn. Tất nhiên đây không phải là chuyện ngày một, ngày hai và cần có sự tham mưu của các cấp chính quyền".

Ngoại 80%...

Tìm đến những nhà hàng ngoại để thưởng thức các món đặc sản từ các nước cũng là lựa chọn của nhiều bạn trẻ Đà Nẵng. Đó là nhận xét của một người Singapore khi đến thưởng thức các món ăn tại nhà hàng Singapore Lioncity thuộc khách sạn Sông Thu, mới mở trên đường Trần Phú. Sales Executive của nhà hàng, anh Nguyễn Công Ngọc cho biết: "Tại nhà hàng, từ nguyên liệu cho đến công nghệ chế biến đều từ Sin, tất nhiên có qua bước trung gian là Sài Gòn. Cách bài trí nhà hàng, trang phục, thái độ phục vụ của nhân viên... đều theo phong cách Sin. Tuy nhiên, ở đây người Hoa sinh sống không đông như Sài Gòn nên đối tượng phục vụ chủ yếu vẫn là người Việt, những người thích làm phong phú khẩu vị thường ngày, hay muốn tạo một không gian đặc biệt cho người thân, những người bạn đặc biệt, những đối tác làm ăn quan trọng… do đó, phong vị món ăn phần nào đó cũng tự nhiên thích ứng với khẩu vị Việt chứ không thể 100% nguyên bản Singapore".

Ẩm thực ngoại ở Đà Nẵng

Tìm đến những nhà hàng ngoại để thưởng thức các món đặc sản từ các nước cũng là lựa chọn của nhiều bạn trẻ Đà Nẵng.

Chị Trần Thị Quyên, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hàng Phì Lũ 3 cũng có chung lý giải: "Nhập gia phải tùy tục em à, bên cạnh các món Trung Quốc, Phì Lũ còn linh động làm một số món Đà Nẵng theo nhu cầu của khách hàng. Bố chị là người gốc Hoa, nhưng ông không có ý kiến gì về điều này".

"Một thực tế không ai phủ nhận là khách du lịch đến Đà Nẵng thường nghỉ lại khoảng một ngày đêm, nhiều lắm là hai ngày và người ta sẽ dành thời gian ngắn ngủi này để thưởng thức các đặc sản của Đà Nẵng và đương nhiên, chuyện tìm lại phong vị quê nhà trên đất khách là hơi khó. Nên đối tượng phục vụ chủ yếu của các nhà hàng ẩm thực ngoại ở Đà Nẵng nếu là người ngoại quốc thì chỉ có những người sống và làm việc lâu năm ở đây, và số này không nhiều so với tổng dân số toàn thành phố". Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Trưởng phòng Điều hành Công ty Lữ hành Vitours nói về cái khó của các đơn vị doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực ngoại ở Đà Nẵng.

Ưu thế phong vị châu Á

Đến Đà Nẵng, người ta sẽ nghe nói nhiều về các nhà hàng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... thể hiện ưu thế đặc biệt của ẩm thực châu Á trên đất Đà thành. "Điều này cũng dễ hiểu, vì chúng ta là người châu Á, ngoài phục vụ đối tượng khách hàng lớn là người sở tại (như trên đã nói), người làm ăn và khách du lịch từ các nước châu Á đến Đà Nẵng những năm gần đây luôn chiếm số đông. Cung phải được nảy sinh từ cầu. Đó là điều tất yếu", Trưởng phòng Điều hành Công ty Lữ hành Vitours lý giải.

Chủ nhà hàng Mr Pizza (45 Trần Phú) cho hay: "Mặc dù ở tiệm chúng tôi, các món ăn mang đặc trưng của ẩm thực Ý, nhưng khi khách hàng có nhã ý muốn thêm một vài gia vị cho hợp với thói quen ăn uống của người Việt thì mình sẽ không thấy phiền, miễn là các yêu cầu không làm thay đổi quá lớn cấu trúc và hương vị đặc trưng của nước Ý".

Lê Hoàng Anh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng thường dẫn bạn gái đến Mr Pizza vì ở đây đồ ăn ngon, không gian nhà hàng ấm cúng. Cũng như Hoàng Anh, mỗi người đều chọn cho mình lý do để tự “sở hữu” một nhà hàng "ruột" nào đó.

Mỗi nơi một phong cách, có thể nói, sự xuất hiện ngày càng nhiều các nhà hàng, khách sạn kinh doanh ẩm thực ngoại tại Đà Nẵng trong những năm gần đây đã góp thêm những sắc màu văn hóa phong phú đến đời sống của cư dân nơi đây.

Theo BaoDaNang.Vn

Âm nhạc và ẩm thực tại Đà Nẵng

Dù chưa thể tổ chức định kỳ, nhưng buổi trình diễn violon, flamenco, saxophone lần đầu tiên ở phố Bạch Đằng hôm 2-9 được xem là sự khơi mở cho loại hình âm nhạc đường phố vốn rất phổ biến và thu hút sự quan tâm của người dân lẫn du khách ở nhiều nước.

ẩm thực và âm nhạc
Rất... Đà Nẵng

Tâm điểm của chương trình là màn hòa tấu của đội violon và đội flamenco. Nếu đội flamenco trình bày một cách chơi lão luyện, ngẫu hứng của những người đã đi diễn hơn 20 năm nay ở hầu hết các kỳ hội chợ, sự kiện, đám tiệc; thì những chàng trai, cô gái tươi xinh ở độ tuổi từ 18 đến 25 của đội violon lại mang tới cho không gian sông Hàn hơi thở nhẹ nhàng của tuổi xuân thì, qua tiếng vĩ cầm lả lướt, dịu dàng mà âm vang. Và không gì khác, chính đội violon này đã làm những người Đà Nẵng cũng phải ngạc nhiên, vì không ngờ “ở Đà Nẵng lại có một đội như vậy.

Lần đầu tiên chơi đàn giữa phố, giữa nhiều người, anh Chang Chung Khìn (đội flamenco) có một cảm giác rất khác lạ. Ở đó, người nghe có thể ồn ào, xe cộ có thể qua lại không ngớt, nhưng người chơi đàn có thể chơi hết mình, không bị bó buộc trong một không gian hẹp của phòng trà, nhà hàng, quán xá… Cái thú của người chơi khởi nguồn từ chỗ: Khán giả không cần, không phải nghiêm túc và im lặng mà thưởng thức. Những tràng pháo tay rần vang, những tiếng hô tán thưởng từ đám đông mới chính là hạnh phúc của người cầm đàn. “Trước đây chúng tôi chỉ chơi cho một nhóm người, một tập thể, nhưng giờ thì chơi cho cả người dân và khách du lịch nghe. Chúng tôi chơi tự do hơn, mạnh mẽ và sôi động hơn”, anh Khìn nói.

Âm nhạc không khoảng cách

Chưa mang đúng tính chất của loại hình âm nhạc đường phố vì vẫn còn sân khấu, còn khoảng cách giữa người chơi và người nghe, nhưng buổi diễn vẫn thu hút rất nhiều người dân cũng như du khách.

Đội Flamenco cho rằng, sự kiện vừa rồi sẽ mở ra con đường cho âm nhạc đường phố đúng nghĩa ở Đà Nẵng, khi nghệ sĩ và khán giả có thể giao lưu với nhau dễ dàng hơn. Võ Minh Thông và Bùi Thanh Hiền, hai trong số 11 thành viên đội violon dự định sẽ cùng nhau biểu diễn ở những không gian rộng mở như phố Bạch Đằng, công viên… “Đó là những nơi công cộng, không gian tự do, con người cũng mở rộng tâm hồn để cảm nhận âm nhạc.

Âm nhạc kết hợp ẩm thực

Theo ông Hồ Văn Ánh, âm nhạc đường phố cũng nằm trong Đề án Phát triển du lịch của thành phố, song song với việc hình thành phố đi bộ và ẩm thực ở cung đường Bạch Đằng. Phố đi bộ và ẩm thực đường Bạch Đằng là một quần thể các gian hàng ẩm thực với các món ăn đặc sản Đà Nẵng như mì Quảng, gỏi cá Nam Ô, bánh bèo…

Du khách và người dân địa phương sẽ có dịp thưởng thức các hương vị đặc sản, các món ăn ngon đã nổi danh của Đà Nẵng cũng như Hội An. Nơi đây sẽ là điểm dừng chân không thể thiếu đối với các tour du lịch đến với Đà Nẵng trong tương lai.

Mì quảng Trang - 441 Ông Ích Khiêm

Ăn mỳ Quảng như cả 5 giác quan của ta được khơi dậy trọn vẹn để thưởng thức hương vị đặc biệt, hấp dẫn của của tô mỳ ngát hương.

Cái ấn tượng đầu tiên đập vào mắt ta là một tô mỳ với đầy đủ sắc màu: màu trăng trắng của cọng mỳ nhỏ xinh, màu xanh mượt non mởn của rau sống, màu vàng rộm của bánh tráng, đậu phộng, màu đo đỏ của nước nhưng, tôm, cá hay thịt…Đó là giác quan là thị giác.

Giác quan thứ hai đó là khứu giác được đánh thức bởi mùi thơm sực nức của nước nhưng hội tụ đầy đủ hương vị của miền đất Quảng, của mùi chanh thơm phức, mùi bánh tráng nướng giòn hấp dẫn của những loại rau Quế nổi tiếng của đất Quảng thì hương vị tô mỳ càng thêm hấp dẫn gấp bội phần.
Giác quan thính giác và vị giác được khơi dậy lúc ta gắp một đũa mỳ cho vào miệng, cắn một miếng ớt thật cay, húp 1 ngụm nước lèo cho phát ra tiếng "soạt", cộng thêm cái giòn tan của bánh tráng khi đó mới thấy cái thú, mới thấy cái ngon đầy miệng. Ăn mỳ Quảng mà thiếu bánh tráng thì coi như không đúng cách. Bánh tráng cho ta cái giòn giã và thơm tho, cái béo của dầu mỡ quyện với cái béo của gạo nuớng trong bánh tráng càng làm cho người ăn có cảm giác ngon miệng mà không ớn. Giác quan vị giác, được coi là giác quan quyết định món ngon hay không. Tất cả các hương vị ngon ngọt, chua cay, mặn mà hòa quyện với nhau. Năm loại vị cơ bản trong ẩm thực Việt được xem như triết lý ngũ vị trong ẩm thực Việt cũng tuân thủ rất khéo triết lý âm dương ngũ hành trong quan niệm chung về con người và vũ trụ theo cách nghĩ thuần phác của người dân Việt. Và phải ăn ngay, ăn từ khi còn nóng. Mỳ Quảng mà để nguội sẽ mất ngon, lá mỳ sẽ bị tơi ra, rau sống héo đi, cái mùi thơm giòn của rau, đậu sẽ bị tản bớt...

Giác quan cuối cùng đó là cảm nhận về món Mỳ Quảng mình vừa ăn xong có ngon không? Có quyết định ăn thêm tô thứ hai hay không?

Quán Trang : 441 Ông Ích Khiêm, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng
mì quảng Ếch gia truyền từ năm 1972


Thưởng thức món mỳ Quảng mẹ nấu ngày xưa trong một không gian ấm cúng nhẹ nhàng mà gần gũi thiên nhiên đất Quảng.


Rau dùng cho Mỳ Quảng

Rau dùng cho Mỳ Quảng là những loại rau có mùi vị đặc biệt. Người Quảng khi làm mì thì dùng rau gồm cải con (tức là cải vừa nhú mầm), rau húng lủi, rau quế xanh, xà lách, và đặc biệt là phải có hoa chuối thái mỏng. ngoài ra còn có các loại phụ liệu không thể thiếu là hành lá, ớt xanh, bánh tráng gạo mè, chanh, nước mắm ớt được làm từ cá cơm (dùng để nêm thêm cho vừa khẩu vị của từng người) và đậu phụng rang giã nhỏ.


Nước lèo, nước dùng cho mì Quảng

Nước nhưng dùng cho mì Quảng được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau tùy theo loại mì mà thực khách muốn dùng.

Mì Quảng truyền thống thì nguyên liệu chính là tôm tự nhiên và thịt heo tươi. Tôm sau khi lấy đầu, làm sạch để nguyên con thì được ướp cùng với thịt, một ít tôm được giã nát để cho vào nước tạo vị ngọt tự nhiên. Mì Quảng truyền thống hầu như rất ít khi dùng đường khi chế biến. Nguyên liệu sau khi ướp thì được tao bằng dầu phụng cho đủ độ thấm và nấu với nước dùng.


"Có một điều, ăn Mì Quảng mà thiếu bánh tráng thì coi như không đúng cách. Bánh tráng cho ta cái giòn giã và thơm tho, cái béo của dầu mỡ quyện với cái béo của gạo nướng trong bánh tráng càng làm cho người ăn có cảm giác ngon miệng mà không ớn"


"Nhắc đến Quảng Nam - Đà Nẵng, chắc hẳn không ai trong các bạn không nghĩ ngay đến mỳ Quảng, món ăn đặc sản nổi danh của vùng đất này. Mì Quảng không giống phở Bắc, cũng chẳng giống bún bò Huế hay bún Ốc Hà Nội. Mì Quảng có nhìu loại khác nhau, nào là mì gà, mì tôm, mì thịt, mì sườn, mì cá lóc… nhưng hương vị đặc trưng của nó thì không lẫn vào đâu được. Hòa quyện cùng cọng mi trắng ngà, mềm mại là vị thanh ngọt và béo của nước hầm xương, mà người dân địa phương vẫn hay gọi là nước lèo"


"Nhìn tô mì bốc khói với những chú tôm tươi đỏ mọng, kết hợp với màu xanh tươi mát của rau sống và hành hoa quả thật thực khách không thể kiềm nổi cơn đói đang trào dâng. Dường như mì Quảng luôn có mặt trong mỗi bữa ăn hằng ngày của người dân nơi đây như là một thói quen, như thứ đặc sản dùng để tiếp đãi khách, bạn bè phương xa. Chính điều này cũng như một nét hấp dẫn riêng níu chân du khách mỗi khi có dịp ghé thăm mảnh đất thân thương này" (Sưu tầm)

"Để có tô mỳ Quảng ngon phải qua nhiều công đoạn. Đầu tiên là vo gạo, ngâm rồi xay bột, lấy trùng bột vừa bánh mới ngon. Tráng bánh đòi hỏi phải khéo tay, bánh mỏng, đều thì con mỳ ngon hơn khi ăn. Bánh tráng xong lấy ra gọi là mỳ lá. Xắt lá mỳ thành sợi là việc làm thể thiện tay nghề người làm bánh. Một tay cầm cán dao, một tay đặt lên mũi dao lần lượt nhấn từng tay xuống vừa di chuyền dần theo lá mỳ gấp tư để tạo thành mỳ sợi"